(BTN)- Đi dọc đất
nước, từ Bắc chí Nam, vùng, miền nào, địa phương nào cũng có làm bánh tráng, tuy
cái bánh có khác biệt nhau chút ít về màu sắc, mùi vị hay gia vị.
1. Cái bánh tráng- còn gọi
bánh đa, nguyên liệu chủ yếu làm nên là bột gạo, hoặc bột khoai, bột sắn… không
rõ có nguồn gốc, xuất xứ từ nơi nào trên đất Việt Nam ta! Song có điều chắc chắn
là bánh đã có từ rất lâu đời, có người cho đây là lương khô của cha ông ta ngày
xưa trên đường đánh giặc, khi phải hành quân xa trong điều kiện khó khăn, gian
khổ…
|
Bánh
tráng me Tây Ninh
|
Đi dọc đất nước, từ Bắc chí
Nam, vùng, miền nào, địa phương nào cũng có làm bánh tráng, tuy cái bánh có khác
biệt nhau chút ít về màu sắc, mùi vị hay gia vị. Ví như có nơi bỏ mè nhiều, có
nơi thêm hành lá hay trộn chút ít gừng… Nhưng cơ bản đều giống nhau ở các công
đoạn xay bột, hấp, tráng bánh, phơi bánh và là món quà quê độc đáo để ăn vặt,
người lớn khi đi chợ thường mua về làm quà cho con cháu. Bánh tráng đã đi vào ca
dao của người Bình Định xưa: “Đi xa nhớ bánh tráng mè/ Mùa quê phảng phất dặm
hoè hương đưa”. Và ở phương Nam: “Muốn ăn bánh tráng cho giòn/ Muốn thương cô
gái cho tròn lòng trinh”. Xem ra bánh tráng không thể thiếu trong thói quen ẩm
thực của người Việt.
2. Bánh tráng Tây Ninh, khởi
thuỷ theo chân những người dân “ngũ quảng” đi về phương Nam mở cõi, khai hoang,
lập ấp hình thành nên xứ Tây Ninh ngày nay nhưng cũng không biết từ khi nào,
thương hiệu “bánh tráng Trảng Bàng” được lưu danh trong giới ẩm thực, được nhiều
nơi trong cả nước biết tiếng và ưa chuộng, đặc biệt là bánh tráng phơi sương. Ở
miền Nam trước đây thường truyền tụng “bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sa Đéc”
nhưng xem ra cũng chưa nổi danh bằng bánh tráng Tây Ninh với cách ăn dân dã, phù
hợp với nhiều lứa tuổi và nhất là bình dân, vừa với túi tiền ít ỏi của những
người lao động nghèo, học sinh, sinh viên… (không loại trừ những người giàu có,
sành ăn uống) với các món: bánh tráng muối (muối ớt, muối tôm), bánh tráng mắm
me và bánh tráng trộn. Chúng đã có mặt khắp nơi trong cả nước, trên một gánh
hàng rong, một chiếc xe đẩy hay trong các nhà hàng đặc sản sang trọng. Câu
chuyện kể của một cô giáo vùng sâu, càng khiến tôi thêm ấn tượng về món bánh
tráng muối.
Lớp học nhằm vào một buổi
sáng mưa rất lớn. Học trò và cô giáo vào lớp học muộn, bài tập đọc vừa chép
xong, cô giáo gõ thước cho học sinh đọc. Cả lớp im phăng phắc, có tiếng gì như
tiếng nhai nhóc nhách rất khẽ. Cô giáo nhìn xuống cả lớp, hình như các em đang
nhai cái gì? Không lẽ cả lớp hôm nay nhai kẹo xing-gum- một món sang trọng mà
các em học sinh quê mùa ở đây ít khi tiếp xúc. Cô giáo lẳng lặng đi xuống kiểm
tra các em, trong hộc bàn mỗi em là một gói bánh tráng muối mà người ta gọi là
“bánh tráng si-da” (tức những miếng bánh tráng cắt vụn) ăn với muối ớt. Hoá ra
các em đến trường mà chưa kịp ăn sáng! Cô giáo không rầy la, hai mắt chợt rưng
rưng…
|
Đặc sản
bánh tráng muối ớt Tây Ninh
|
3. Tây Ninh thuộc miền Đông
Nam bộ, là xứ đất gò, cách xa biển, không sản xuất muối nhưng lại nổi tiếng về
muối ớt và muối tôm. Muối được rang, xay nhuyễn cùng với ớt và các gia vị cần
thiết như con ruốc khô, bột ngọt… được gọi là muối ớt, hoặc thêm nhiều tôm khô
xay nhuyễn thì gọi là muối tôm, màu sắc đỏ gạch, trông rất bắt mắt, để dành ăn
trái cây, với cơm hay những món khác. Bánh tráng làm ra, để được tròn trịa, hay
vuông vắn, người ta đưa vào máy, cắt bỏ những phần dư thừa, những vụn bánh tráng
đó được gọi là “bánh tráng si-da”, đem trộn với dầu phộng, bỏ thêm chút hành
phi, cuốn với muối ớt, sang hơn thì muối tôm, cứ một bịch giá chừng vài ba ngàn,
đem bán ở các trường học, đắt như tôm tươi. Các em ăn vặt “giặm” thêm vào bao tử
sau những giờ học, có khi ăn trừ bữa sáng, uống ly đá lạnh là no đến trưa. Tất
nhiên, quà nghèo không thể gọi là ngon, song cái vị béo ngọt của bánh tráng, vị
mặn đậm đà của muối, cay cay của ớt, lại có sức hấp dẫn không thể chối từ đối
với lũ học trò nhỏ.
Bánh tráng mắm me, lại ở một
cấp độ “nâng cao” của nghệ thuật ẩm thực, là món hấp dẫn hầu hết các cô cậu học
trò tuổi teen và cả những người lớn tuổi. Cũng là những mẩu bánh tráng vụn ấy,
hoặc nguyên cả cái bánh tráng, đem cuốn với hành, tỏi phi giòn, đậu phộng rang
giã giập, trứng cút cắt nhỏ, chấm với nước mắm me được pha chế theo công thức
đặc biệt gồm nước me thật sệt, nước mắm ngon, ớt xay nhuyễn hoặc sa tế. Cái tài
tình và cuốn hút người ăn, chính là những chén mắm me mới trông đã ứa nước miếng
ấy! Tuỳ chất lượng và các thành phần ăn kèm như trứng cút, khô bò, tôm khô… mà
gói bánh tráng me có giá từ sáu đến mười ngàn hoặc cao hơn là mười lăm ngàn
đồng, cho hai, ba người bạn ăn chung với nhau. Người lớn cần thêm ly đế hoặc lon
bia, càng thêm… bắt mua nữa. Trước đây, bánh tráng mắm me bán tại các điểm gần
trường học, căn tin nhà trường ở Tây Ninh, nay đã thấy có bán ở khắp nơi- thành
phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây và cả thủ đô Hà Nội. Ngay tại cửa khẩu Mộc
Bài đi Ba-vet Campuchia, rất nhiều người bán bánh tráng mắm me. Người Khmer qua
lại, kể cả một số du khách người phương Tây cũng “hảo” món bánh tráng chấm mắm
me này. Có người buôn bán qua lại Bến Cầu, mỗi lần về mua cả chục gói, nói để
biếu tặng hàng xóm.
Từ món bánh tráng me Tây
Ninh, khẩu vị ẩm thực của người sáng chế và thưởng thức thêm một lần nữa được
“nâng cấp”, qua hình thức chế biến bánh tráng trộn. Và bánh tráng trộn bình dân
bán rong ở các cổng trường, dường như có tính sáng tạo từ dĩa đu đủ nạo với khô
bò, hoặc món bò bía trước đây? Khác chăng là bánh tráng được cắt thành từng
miếng dài, trộn chung với muối tôm, nước mắm me, hành, tỏi phi, sa tế, tép rang,
trứng cút, rau răm, đậu phộng rang, khô bò xé sợi… chỉ mới kể sơ đã nghe bao tử
sôi réo, dịch vị tiết ra và cơn thèm đã khiến muốn “măm măm” liền dĩa bánh tráng
trộn.
Bánh tráng trộn vào các nhà
hàng đặc sản, các quán nhậu có thêm các nguyên liệu như mực khô nướng xé nhỏ,
gan bò khô, mực ống luộc, xoài thái sợi mỏng… Và như thế, một dĩa bánh tráng
trộn cho bốn người ăn ở những nơi này giá không dưới trăm ngàn đồng. Nhưng ngon,
dở của món bánh tráng trộn vẫn do bí quyết pha chế chén nước mắm me sền sệt
chua, ngọt, béo, bùi rất đặc biệt, còn các món khác chỉ là thêm hương vị nhưng
nếu phải so sánh công bằng, thì ăn món bánh tráng trộn ở Tây Ninh vẫn thấy đậm
đà hương vị của nơi xuất xứ và giá cả cũng mềm hơn rất nhiều.
TRẦN HOÀNG VY
|