Nghị định cho biết, quyền mua bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật chứ không quy định theo kiểu giao dịch một chiều (chỉ bán mà không được mua) như ý tưởng đưa ra trước đây.
Tuy nhiên, hoạt động mua, bán vàng miếng này chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Theo đó, những doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng một năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế) và cuối cùng là có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Riêng tổ chức tín dụng, để được cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải đáp ứng đủ 3 điều kiện: có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Đặc biệt, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán cũng được cho là hành vi vi phạm. Quy định này được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế hiện nay, khi nhiều giao dịch giá trị lớn như nhà đất được các bên thanh toán hoặc tính theo vàng.
Riêng quan điểm về sản xuất vàng miếng, Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Ngoài ra, giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chỉ được cấp cho một số doanh nghiệp sản xuất trang sức, mỹ nghệ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, doanh nghiệp đầu tư khai thác vàng ở nước ngoài có nhu cầu nhập số vàng đã khai thác về nước...Còn việc xuất khẩu vàng nguyên liệu chỉ cấp giấy phép cho doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng theo quy định.
Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm được thực hiện theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ có trách nhiệm thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm đã công bố do doanh nghiệp sản xuất.
Cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công trong giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5.
Nguồn: vnexpress.net
No comments:
Post a Comment